ĐỐI TÁC KINH DOANH
Cuối năm 2014, Dòng sản phẩm Vigor2925 mới ra đời thay thế cho Series Vigor2920 rất thành công trước đây. Trong vòng đời của mình, Dòng sản phẩm Vigor2920 đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, nhờ giá cả hợp lý, hiệu năng cao và nhiều tiện ích, dòng sản phẩm này được đông đảo khách hàng tin dùng, từ các phòng game, đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với mong muốn bắt nhịp với thời đại, Vigor2925 Series được cải thiện hiệu năng hoàn toàn với phần cứng mới, ngoài ra dòng sản phẩm này cũng được hãng tiên phong lần đầu tiên trang bị các tính năng mới như AP Management, Central VPN Management, hứa hẹn sẽ cung cấp thêm những tiện ích tuyệt vời cho việc quản trị hệ thống của mình
Vigor2925 Series được nâng cấp rất nhiều về phần cứng, tất cả cổng mạng đều dùng tốc độ Gigabit, 2 cổng WAN Giga, tăng thêm 1 cổng LAN thành 5 cổng Gigabit.
Thêm 1 cổng USB 2.0, người dùng sẽ có 2 cổng USB cho Printer/3G/4G/FTP server, chip xử lý và board mạch hoàn toàn mới giúp Vigor2925 có thể chạy cân bằng tải với tốc độ tối đa lên tới 300Mbps, gấp 2,5 lần so với dòng Vigor2920 Series trước đây
Một trong những yếu tố khiến khách hàng yêu thích sản phẩm DrayTek đó là giao diện trực quan, dễ cấu hình. Với giao diện DashBoard mới mọi thứ thậm chí còn trực quan và hiện đại hơn. Bạn có thể nhìn thấy ngay trạng thái của hệ thống, trạng thái kết nối mạng, kết nối vật lý và nếu cần cấu hình gì đó bạn cũng có thể truy cập vào phần thiếp lập chỉ với 1 cú click chuột thông qua menu Quick Access
VPN server trên Vigor2925 được bổ sung thêm công nghệ SSL VPN với tối đa 25 tunnels đồng thời giúp cho việc truy suất dữ liệu từ xa dễ dàng hơn bao giờ hết mà vẫn đảm bảo tính bảo mật. SSL VPN là công nghệ VPN tiên tiến, cho phép các thiết bị đầu cuối thực hiện kết nối VPN thông qua trình duyệt web. Bên cạnh đó DrayTek cũng cải thiện hiệu năng cho các công nghệ VPN còn lại IPSec/PPtP/L2TP. Số lượng kết nối VPN hỗ trợ tối đa tới 50 kết nối đồng thời. Với chip xử lý phần cứng riêng cho VPN giúp tăng tối đa khả năng mã hóa AES/DES/3DES và thuật toán hash SHA-1/MD5 mà vẫn đảm bảo tốc độ VPN đạt mức 70Mbps
Qua mặt tất cả các dòng sản phẩm cao cấp nhất của DrayTek như Vigor2960, Vigor300B thậm chí là Vigor3900, Vigor2925 trở thành dòng sản phẩm đầu tiên của DrayTek được trang bị tính năng này. Với APM bạn hoàn toàn có thể làm chủ một hệ thống mạng với 20 APs chỉ với 3 bước cài đặt plug-plug-press là các thiết bị di động đã có thể kết nối internet. Vậy tóm lại bạn có thể làm gì với tính năng APM này?
Bạn có thể xem trạng thái của tất cả các AP, bao gồm số lượng người kết nối, tình trạng hoạt động v.v…
Thay đổi tên wifi và mật khẩu hàng loạt cho 1 nhóm hoặc toàn bộ các AP mà bạn có chỉ với vài cái click chuột. Thử tưởng tượng nếu bạn phải truy cập vào từng AP để đổi mật khẩu wifi cho 20 cái Access Point, và nếu sếp bạn yêu cầu đổi mật khẩu wifi mỗi ngày thì điều đó thật kinh khủng!!!
Tự động reboot các AP được chỉ định. Nếu bạn muốn các AP của mình tự động khởi động vào 1 thời gian nào đó thì cứ giao việc này cho APM làm.
Tự động backup/ restore cấu hình v.v… và còn nhiều tính năng thú vị khác nữa chờ bạn khám phá.
Và điều quan trọng nhất đó chính là chi phí license cho chức năng này. Tính năng này miễn phí, bạn không phải trả bất cứ chi phí license nào, chỉ cần mua thiết bị và dùng miễn phí trọn đời
Nếu bạn đã từng nghe nói đến phần mềm có tính phí Vigor ACS SI thì đây chính là phiên bản rút gọn của nó, và được DrayTek tích hợp thẳng lên firmware của Vigor2925. CVM giúp bạn thiết lập hệ thống VPN lên tới 8 sites trao đổi dữ liệu chỉ với vài cú click chuột, CVM sẽ giúp bạn khai báo tất cả các tham số liên quan một cách tự động, đồng thời nó cũng hỗ trợ bạn quản lý hệ thống VPN này dễ dàng hơn bao giờ hết.
Vigor2925 hỗ trợ 5 cổng LAN Gigabit VLAN cho phép người quản trị mạng chia hệ thống thành 5 mạng con, mỗi VLAN sử dụng 1 dãy địa chỉ IP khác nhau và được áp dụng các chính sách khác nhau từ đó gia tăng mức độ bảo mật cho toàn hệ thống.
Giả sử bạn muốn cấm nhân viên A không được truy cập facebook.com, lúc đó bạn sẽ tạo rule cấm facebook với địa chỉ IP máy tính mà nhân viên A sử dụng, như vậy bạn đang tạo cấm cái máy tính chứ không phải nhân viên A, điều đó cũng có nghĩa là nếu nhân viên B ngồi vào máy tính này thì cũng bị cấm vào facebook giống nhân viên A. Và nếu nhân viên A ngồi ở máy tính không bị cấm thì anh ta sẽ vào facebook bình thường. Đây là cách mà Firewall Rule-Based làm việc.
Biết được hạn chế của Rule-based, DrayTek đã bổ sung tính năng mới cho phép người quản trị áp dụng chính sách lên đúng “người sử dụng” chứ không phải là là áp lên “máy tính” như cách mà Rule-based làm, DrayTek gọi tính năng mới này là User-based. Với User-based, các chính sách được áp dụng trên từng tài khoản người dùng, dù anh ta ngồi ở bất kì vị trí nào trong mạng thì cũng đều bị áp dụng 1 chính sách như nhau, không quan tâm việc anh ta ngồi ở máy tính nào.
Đối với 1 số thiết bị mạng đặc biệt như server, ip camera, máy chấm công, bạn vẫn có thể dùng firewall dựa trên địa chỉ IP như bình thường, có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể kết hợp User-based và IP-based đồng thời. Việc kết hợp giữa firewall theo tài khoản và địa chỉ IP giúp bạn quản lý hệ thống hết sức tiện lợi